STOP MOTION – ĐIỂM SÁNG CỦA NỀN CÔNG NGHIỆP HOẠT HÌNH

Chắc hẳn khi lần đầu nghe tới “stop motion”, bạn sẽ cảm thấy khá là mới lạ. Nhưng đây là một kỹ thuật làm phim đã có từ lâu đời và đang được ứng dụng rất phổ biến trong nền điện ảnh trong nước cũng như thế giới. Bây giờ, hãy cùng chúng mình tìm hiểu thêm về kỹ thuật làm phim thú vị này nhé!

Nguồn: VieON

QUÁ TRÌNH TẠO NÊN NHỮNG THƯỚC PHIM

“Stop motion” hay còn được biết đến với cái tên “hoạt hình tĩnh vật” – là một kỹ thuật làm phim hoạt hình độc đáo và có tính ứng dụng cao, kỹ thuật này đã được sử dụng trong nhiều bộ phim hoạt hình nổi tiếng như “Shaun the Sheep”, “Wallace và Gromit”, “Corpse Bride”,…

Để tạo nên những thước phim bằng kỹ thuật này, đòi hỏi người nghệ nhân phải có sự kiên nhẫn, tỉ mỉ và trình độ cao. Họ sẽ tạo dựng các nhân vật, bối cảnh từ các nguyên liệu và phương pháp khác nhau (đất sét, vẽ tay, đồ vật thật,…). Sau đó, các nhân vật sẽ được sắp xếp từng động tác theo cốt truyện, các nhà làm phim sẽ dùng máy ảnh để chụp lại từng cảnh để khi ráp chúng lại với nhau, các nhân vật sẽ chuyển động, tạo nên những thước phim đặc sắc.

Nguồn: Domestika

NHỮNG BỘ PHIM ĐẦU TIÊN ÁP DỤNG KỸ THUẬT STOP MOTION

Kỹ thuật làm phim stop motion có lịch sử khá lâu đời. Mới đầu, kỹ thuật này chỉ làm về những nhân vật đồ chơi, hình khối hay những đồ vật cứng, vô tri. Sau này, đối tượng trong những đoạn phim hoạt hình tĩnh vật dần được mở rộng,  chất liệu tạo nên các nhân vật cũng đa dạng hơn (đất nặn, con rối,…).

Bộ phim đầu tiên áp dụng stop motion là “The Humpty Dumpty Circus” (1897) của Albert E. Smith và J. Stuart Blackton làm đạo diễn, nói về các đồ chơi xiếc và con vật có trong rạp xiếc. Các nhân vật đều được làm bằng gỗ nhưng nhờ áp dụng kỹ thuật stop motion, các nhân vật chuyển động rất trơn tru và sống động. Với sự sáng tạo độc đáo này, kỹ thuật làm phim stop motion nhanh chóng được mọi người biết đến và học hỏi nhiều hơn.

The Humpty Dumpty Circus (Nguồn: Meredith A.Bak)

Năm 1907, bộ phim hoạt hình tĩnh vật khác của J. Stuart Blackton là “The Haunted Hotel” đã tạo nên thành công vang dội sau khi phát hành. Sau đó là sự ra mắt của bộ phim “A Sculptor’s Welsh Rarebit Nightmare” và “The Sculptor’s Nightmare” của Billy Blitzer năm 1908.

Một trong những bộ phim hoạt hình đất sét sớm nhất là “Modelling Extraordinary”, ra mắt khán giả vào năm 1912. Tháng 12 năm 1916, bộ phim của Willie Hopkins 54 tập “Miracles in Mud” được công chiếu trên màn hình lớn. Cũng vào tháng 12 năm 1916, nhà làm phim nữ đầu tiên Helena Smith Dayton bắt đầu làm phim hoạt hình đất sét. Cô phát hành phim “Romeo and Juliet” dựa theo kịch của William Shakespeare.

Một cảnh trong “Romeo and Juliet” của Helena Smith Dayton (Nguồn: animationstudies 2.0)

Ngày nay, cùng với sự phát triển của công nghệ thì phim hoạt hình tĩnh vật ngày càng phổ biến trên thế giới. Các bộ phim Chicken Runs (2000), Shaun the Sheep (2007), Timmy Time (2009),… lần lượt được ra mắt và đã đi sâu vào ký ức của nhiều khán giả với những thước phim sống động. Gần đây, bộ phim hoạt hình tĩnh vật “Guillermo del Toro’s Pinocchio” (2022) đã đoạt giải Oscar cho “Phim Hoạt hình xuất sắc nhất” năm 2023.

Guillermo del Toro’s Pinocchio (Nguồn: Netflix Wiki)

SỰ HIỆN DIỆN CỦA STOP MOTION TRONG NỀN CÔNG NGHIỆP HOẠT HÌNH VIỆT NAM

Không kém cạnh nước bạn, kỹ thuật stop motion tại Việt Nam cũng được sử dụng phổ biến rộng rãi trên nhiều lĩnh vực từ MV, quảng cáo, phim ảnh,…

Được ra mắt năm 2017, Clay Mixer là một kênh hoạt hìnhsử dụng công nghệ Stop motion, trong đó, tất cả các nhân vật và bối cảnh đều được làm hoàn toàn thủ công. Nhờ đặc trưng công nghệ, các nhân vật có thể tương tác với tay người diễn hoạt cũng như đồ vật và động vật thật. Nhân vật chính của kênh là Tiny, cái tên được đặt dựa vào hình dáng bé nhỏ của mình. Tiny là một chàng trai màu xanh nước biển với cá tính nghịch ngợm, vui vẻ, hay bày trò, nhưng lại nhát gan. Trong mỗi tập phim, Tiny đã hóa thân thành các nhân vật mang cuộc đời và số phận khác nhau. Bằng những cách giải quyết hài hước chỉ Tiny mới có, người xem sẽ không thể không bật cười.

 

 

 

 

Clay Mixer (Nguồn: Sconnect)

Năm 2022, nhân kỷ niệm lần thứ 83 của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, ekip phim điện ảnh “Em và Trịnh” đã cho ra mắt MV “Nắng thủy tinh”, đây là MV ca nhạc đầu tiên của Việt Nam được sản xuất với kỹ thuật stop motion. Để làm nên hai mô hình chàng nhạc sĩ và nàng thơ, hai nhóm Decion và Tidu đã dành hơn 420 giờ với 17 mẫu thiết kế phục trang, 10 loại chất liệu tóc và 20 gương mặt được thử nghiệm. MV được làm rất công phu với 600 giờ ghi hình, đem lại 2200 hình cho 2 phút 27 giây.

Cũng trong năm 2022, bộ phim hoạt hình ngắn “Spring Roll Dream” của đạo diễn trẻ Mai Vũ được trao giải “Light on Women Award 2022” tại Cannes 2022. Với chiến thắng này, đạo diễn Mai Vũ đã góp phần khẳng định tiềm năng phát triển của hoạt hình Việt Nam ở thời điểm hiện tại và trong tương lai.

Spring Roll Dream (Nguồn: iDesign)

Thật không thể phủ nhận được sự phát triển mạnh mẽ của nền công nghiệp phim ảnh của Việt Nam ngày nay. Hy vọng trong tương lai, đất nước ta có thể sản xuất ra nhiều tác phẩm hay và có giá trị hơn nữa, góp phần đưa điện ảnh nước nhà vươn tầm thế giới.

Writer: nnnhi

Source: Wikipedia, Báo Nhân Dân, Báo Tiền Phong,

Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *