ĐIỆN ẢNH VIỆT NAM XƯA VÀ NAY

Thời gian dần trôi, vạn vật cũng đổi thay và phim ảnh trong đời sống cũng không phải là ngoại lệ. Vậy chúng ta sẽ cùng xem phim ảnh qua các thời kỳ sẽ có những điểm khác biệt nào nhé.

Góc nhìn của khán giả thay đổi rõ rệt qua từng thời kỳ khác nhau. Trong mắt người xưa, những người sống trong thời kỳ bao cấp, phim ảnh nói riêng hay nghệ thuật nói chung là những điều khá xa xỉ mà chỉ những tầng lớp thượng lưu mới có cơ hội thưởng thức. Đời sống vật chất còn khó khăn nên hầu hết những bộ phim thời đó đều là  phim đen trắng với chất lượng khiêm tốn do nhà nước sản xuất. Những bộ phim này thường xoay quanh chiến tranh với mục đích khơi gợi tinh thần kháng chiến mãnh liệt của nhân dân ta, hay mộc mạc hơn là những thước phim được chuyển thể từ những tác phẩm văn học tiêu biểu như Chí Phèo, Lão Hạc,… 

Phim “Làng Vũ Đại ngày ấy” (Nguồn: Znews)

Quả thật, nghệ thuật phản ánh hiện thực và những cảnh quay đơn sơ ấy đã tái hiện lại chân thực cuộc chiến khốc liệt, gian khổ của các chiến sĩ và cuộc sống tuy giản dị, khốn khó của nhân dân ta trong thời chiến. Vì ngân sách cho nghệ thuật còn hạn hẹp và phim ảnh ngày ấy chưa phổ cập như hiện nay nên các bộ phim nước ngoài còn quá mới lạ với người Việt Nam.

Bộ phim “Em bé Hà Nội” (Nguồn: Wikipedia)

Qua đến thời kỳ 9x – 2000, mọi người đã quan tâm đến nghệ thuật nhiều hơn, đặc biệt là phim ảnh. Đây cũng là khoảng thời gian đầu tiên chứng kiến sự du nhập của phim ảnh nước ngoài đến với Việt Nam, đặc biệt là các bộ phim Trung Hoa và Hàn Quốc. Một thời tại Việt Nam phổ biến phong trào yêu thích các diễn viên Hàn Quốc nổi tiếng như Song Hye Kyo, Lee Min Ho, Jeon Ji Hyun, Jang Dong Gun,… Do những bộ phim đến từ phương Tây có chi phí phát hành đắt đỏ và chưa phù hợp với thị yếu người xem thời điểm đó nên khán giả vẫn chưa có nhiều cơ hội tiếp cận bằng thời nay. 

Qua làn sóng mạnh mẽ ấy, những bộ phim do nhà sản xuất Việt Nam cũng được chú trọng đầu tư hơn, từ kịch bản đến thiết bị ghi hình, từ kỹ xảo hình ảnh đến diễn viên và cả về mặt truyền thông. Dù phim ảnh nước nhà thời này chưa quá thành công nhưng vẫn có một số bộ phim gây ấn tượng mạnh mẽ đến người xem như Đất Phương Nam (1997), Hoa cỏ may (2001),… Và dần, phim truyền hình Việt Nam cũng được chú trọng sản xuất hơn và ghi dấu ấn với khán giả bằng những tác phẩm như: Nhật ký vàng anh (2006), Cầu vồng tình yêu (2011), Bánh đúc có xương (2014),… hay các thể loại sitcom như Cửa sổ thủy tinh (2012), 5S Online (2013), Tiệm bánh hoàng tử bé (2013),…

Bộ phim “Tiệm bánh Hoàng tử bé” (Nguồn: Znews)

Hiện nay, phim ảnh được coi là một trong số những loại hình giải trí được yêu thích nhất. Thị trường điện ảnh bùng nổ với nhiều loại hình khác nhau cùng với đó là những thể loại đa dạng như phim tình cảm, phim hành động, phim kinh dị, phim khoa học viễn tưởng,… Thời đại công nghệ phát triển giúp các bộ phim dễ dàng phổ cập đến các tệp khán giả khác nhau, giúp phim ảnh ngày càng được lan tỏa mạnh mẽ. Giữa làn sóng ấy, điện ảnh Việt Nam không những không bị cuốn theo mà còn đạt được những thành tựu đáng chú ý.

Nổi bật trong số đó là những bộ phim của đạo diễn Trấn Thành khi những thước phim đó luôn dành được phần lớn tình cảm của khán giả. Mới đây chính là bộ phim “Mai”, xoay quanh cô gái cùng tên với cuộc sống đầy thăng trầm. Bộ phim cũng đạt kỷ lục là phim Việt có doanh số cao nhất tại rạp với hơn 500 tỷ và cũng là bộ phim thống trị các phòng vé trong những tuần đầu ra mắt.

Phim “Mai” (Nguồn: Báo Công Thương)

Có thể nói, đời sống xã hội ngày một hoàn thiện đã thúc đẩy cho sự phát triển của các loại hình nghệ thuật nói chung và phim ảnh nói riêng. Chất lượng của những thước phim ảnh ngày càng được nâng cao từ kịch bản, thiết bị quay phim đến diễn viên và từ đó phim ảnh dần dần trở thành một trong những loại hình giải trí được ưa chuộng nhất.

Writer: Phùng Lê Gia Huy

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *