Hãy gọi văn học kháng chiến là tháng năm có những con người tạc nên lịch sử bằng xương máu của da thịt và viết trang sử sách hào hùng dân tộc bằng ngòi bút của văn chương.
Văn học kháng chiến chống Pháp
Phát triển trong giai đoạn từ khoảng năm 1945 – 1954, văn học kháng chiến chống Pháp đã trở thành điểm nhấn nổi bật – là nguồn cảm hứng nghệ thuật cho đội ngũ nhà văn, nhà thơ mang áo lính, gác lại nghiên mực xông pha chiến trường. Lật lại những trang sách thuở xưa cũ ấy, ta mới biết thì ra trong cái nguy nan, khó nhọc chốn mưa bom bão đạn; tình người, tình đồng đội trở nên gắn bó thắm thiết hơn bao giờ hết, được thể hiện thông qua hình tượng người lính trong bài thơ “Đồng chí” (1948, Chính Hữu): “Đêm nay rừng hoang sương muối/ Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới/ Đầu súng trăng treo.” Hay ta có thể tình cờ bắt gặp những mảnh đời còn “tươi xanh” nhưng không ngần ngại ngã xuống vì đất trời Tổ quốc trong trích đoạn “Tây Tiến” (1948, Quang Dũng): “Rải rác biên cương mồ viễn xứ/ Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh/ Áo bào thay chiếu anh về đất/ Sông Mã gầm lên khúc độc hành.” Bên cạnh đó, không khó để nhận ra rằng đằng sau những chiến công quân dân ta đạt được đều nhờ vào tài lãnh đạo chủ chốt, sự lo lắng ngày đêm của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua bài thơ “Đêm nay Bác không ngủ” (1951, Minh Huệ): “Bác thương đoàn dân công/ Đêm nay ngủ ngoài rừng/ Rải lá cây làm chiếu/ Manh áo phủ làm chăn”…
Ngoài những tác phẩm thơ ca, ta không thể không nhắc đến những tác phẩm văn xuôi ở thời kỳ này chủ yếu cho ra đời truyện ngắn và ký về đề tài người nông dân và người lính Vệ quốc quân. Nhân vật của các tác phẩm này mang sự cá biệt, cường điệu hóa và được nhấn mạnh như một tính minh họa giai cấp, ví như qua tác phẩm “Đôi mắt” (Nam Cao) độc giả có thể thấy được sự gan dạ, lòng yêu nước và sẵn sàng hy sinh của những người nông dân khiến ta thán phục hay có thể nghĩ ngay về “Một lần tới thủ đô” (Trần Đăng) – tác phẩm như thể hiện tiếng lòng của người nghệ sĩ sau những ngày kháng chiến khốc liệt: “Thực là đằng đẵng mấy năm trời sau bao nhiêu biến cố, hãi hùng và mong đợi, cảnh phồn thịnh, lộng lẫy, sáng sủa như vậy mới trở lại. Nhưng trở lại hơi vội quá chăng?”. Bên cạnh đó còn có sự day dứt, thương cảm khôn nguôi của chính nhà văn Hồ Phương đối với người phụ nữ được thể hiện trong từng con chữ của tác phẩm “Thư nhà”,…
Văn học kháng chiến chống Mỹ
Trong những năm từ 1954 – 1965, đất nước ta bắt đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh chống đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn ở miền Nam.Bối cảnh lịch sử nước ta thời bấy giờ đã ảnh hưởng không ít đến nhận thức đời sống và sự thay đổi trong tiến trình văn học. Văn chương chữ nghĩa của giai đoạn này đảm nhận một sứ mệnh cao cả là cổ vũ, khích lệ nhân dân đấu tranh thống nhất đất nước. Có thể kể đến như tác phẩm “Đất nước” (1955, Nguyễn Đình Thi): “Ôi những cánh đồng quê chảy máu/ Dây thép gai đâm nát trời chiều/ Những đêm dài hành quân nung nấu/ Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu./ Từ những năm đau thương chiến đấu/ Đã ngời lên nét mặt quê hương/ Từ gối lúa bờ tre hồn hậu/ Đã bật lên những tiếng căm hờn.” Hay tác phẩm “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” (1969, Phạm Tiến Duật): “Không có kính, rồi xe không có đèn/ Không có mui xe, thùng xe có xước/ Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước/ Chỉ cần trong xe có một trái tim.” Ngoài ra ta có thể kể đến nhiều tác phẩm khác như: Đất nước (Nguyễn Khoa Điềm), Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước (Thơ Tố Hữu), Quê hương (Giang Nam),…
Cũng giống với văn học thời kỳ kháng chiến chống Pháp, thời kỳ kháng chiến chống Mỹ có những tác phẩm văn xuôi viết về cuộc chiến tranh chống Mỹ còn đọng lại mang vẻ đẹp hào hùng, bi tráng mà lãng mạn. Những tác phẩm ở thời kỳ này có cốt truyện thể hiện thái độ, tình cảm trân trọng và cảm phục của tác giả trước sự kiên cường của con người trong kháng chiến. Ví như hình ảnh người cha trong tác phẩm “Chiếc lược ngà” (Nguyễn Quang Sáng) tuy ngã xuống vì chiến trường Tổ quốc nhưng trong tim vẫn chất chứa tấm lòng mong ngóng về bé Thu – con gái ông: “…Trong giờ phút cuối cùng, không còn đủ sức trăng trối lại điều gì, hình như chỉ có tình cha con là không thể chết được, anh đưa tay vào túi, móc cây lược, đưa cho tôi và nhìn tôi một hồi lâu… Đến lúc ấy, anh mới nhắm mắt đi xuôi” hay hình tượng cô thanh niên xung phong quả cảm trong “Mảnh trăng cuối rừng” (Nguyễn Minh Châu): “Địch quây tròn trên đầu như xay lúa, rất thấp, thả pháo sáng và bắn hai mươi ly… Tôi cứ nhằm cái bóng trắng nhờ nhờ của Nguyệt mà đi theo”,…
Cái nhìn của con người đương đại về văn học kháng chiến
Văn học kháng chiến đã phản ánh một hiện thực khốc liệt, đáng sợ nhưng chính nền văn học ấy đã trở thành một bản hùng ca trong trang sử dân tộc Việt Nam đồng thời cũng là bản tình ca tươi xanh ngợi ca nghĩa tình Cách Mạng. Con người thời đại cần phải trân trọng, tiếp bước ông cha giữ gìn những áng thơ, áng văn thời đại ấy. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định rằng: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy” hay nhà phê bình Hoài Thanh đã từng nhận xét trong cuốn “Nói chuyện thơ kháng chiến” (1952): “Con người kháng chiến lo lắng, hồi hộp, chờ đợi hy vọng, phấn khởi, sống dồn trong một hai năm nhiều hơn những cuộc sống nhạt kéo dài hàng thế kỷ. Do đó cần phải có thơ.”
Sau năm 1975, kể từ khi đất nước đổi mới, văn học đã có sự cởi mở, thoáng đãng trong tiếp nhận, nhìn nhận, đánh giá nhiều phương pháp sáng tác bởi vậy mà những tác phẩm viết về người lính, viết về văn học Cách Mạng đã trở nên phong phú, đa dạng hơn. Những người cầm bút trong tiến trình đổi mới đã có sự suy ngẫm điềm tĩnh, sâu sắc hơn về xã hội và con người nhằm nhìn lại quá khứ một cách tỉnh táo, sâu sắc ở nhiều góc độ, phương diện khác nhau. Văn học kháng chiến đã giúp cho chúng ta – những người con thời đại có được cái nhìn khái quát hơn về lịch sử dân tộc, thấu hiểu, đồng cảm những khó khăn, gian khổ, sự hy sinh mất mát trong chiến tranh đau thương biết mấy. Thế hệ thanh niên nước Việt Nam đang không ngừng nỗ lực phấn đấu, bảo vệ Tổ Quốc, gầy dựng non sông theo ý nguyện của các bậc tiền nhân đi trước: “Sao trên mũ là đất trời Tổ Quốc/ Sắc cờ trên vai sáng mãi niềm tin/ Đường ta đi có lý tưởng dẫn đường/ Ngọn cờ Đảng là vầng dương chiếu sáng.”
Writer: Phạm Diệu Chi
Source: laodongthudo.vn, tuyengiao.vn, baovanhoa.vn