“kem mút … kem mút”
Tiếng còi rao kem từ một chiếc xe đạp cũ kĩ vọng từ ngoài đường tới trong ngõ, kí ức của tôi về tuổi thơ ở làng quê lại chợt ùa về.
Hoài niệm về thời hoàng kim
Thời ấy, giữa chốn thành thị tấp nập, vẫn luôn văng vẳng đâu đó tiếng rao hàng rong, dù là trưa hè oi ả hay đêm khuya thanh vắng. Không biết tự bao giờ, chúng lại trở nên thân thuộc, hằn sâu vào kí ức mỗi người đến vậy. Có lẽ không chỉ bởi hình ảnh gánh hàng rong nặng trĩu như vác cả gia đình trên đôi vai gầy, mà còn là tiếng rao nhẹ nhàng cùng âm hưởng dễ đi vào tiềm thức của bất kì ai.
Sáng tinh mơ, tiếng rao là thứ âm nhạc đánh thức con người ta bắt đầu một ngày mới với những thức quà ăn sáng hay vài tờ báo mới,
trưa chiều, những món quà vặt lại xuất hiện trong lời hát của những cô chú gánh hàng rong, cũng có khi là đồ ve chai hay đồ gia dụng cổ,
tối muộn, chỉ còn vài ánh đèn đường loé lên giữa màn đêm, vẫn vang vọng tiếng rao đồ ăn đêm như một thứ âm thanh không thể thiếu trước khi chìm vào giấc ngủ.
Nhạc sĩ Ngọc Sơn – một người nghệ sĩ có tiếng tăm trong làng nhạc Sài Gòn thế hệ trước 1975 – luôn nhớ mãi về hình ảnh người mẹ của mình, hàng ngày mang theo con đi nhờ xe ngựa lên Chợ Lớn để bán chè gánh rong, có những khi bán cả đêm khuya. Từ hình ảnh mộc mạc ấy, ông đã viết ca khúc “Vọng tiếng rao khuya”
Nét văn hóa một thời vang bóng
Đã bao lâu bạn chưa nghe tiếng rao hàng rong trên những chiếc xe đạp cũ kĩ?
Hoàng kim một thời vang bóng của gánh hàng rong đã dần phai mờ; thay vào đó, tiếng xe cộ, tiếng của những thành phố chật chội xô bồ đã lấn át âm thanh xưa cũ quý giá kia.
Tuy vậy, may mắn thay, nét văn hóa ấy vẫn được giữ lại phần nào và được cải tiến theo thời gian, hiện đại hóa để phù hợp với con người thành thị hơn. Sức của máy móc thay cho con người: ngày nay, đã có thiết bị điện tử khiến tiếng rao hàng trở nên đều đặn và có âm lượng lớn hơn. Đây có thể được coi là một công cụ hỗ trợ hữu ích; tuy nhiên, những tiếng rao nhẹ nhàng, thanh thoát từ chính các cô chú khi đạp xe dường như mới là thứ khiến chúng ta trân trọng nét đẹp bán hàng rong hơn cả.
Hiện nay, chỉ còn số ít gánh hàng rong truyền thống còn được duy trì. Hàng quán rộng rãi và hiện đại phù hợp với thị hiếu giới trẻ hơn, vì thế, công việc bán hàng rong từ vài chiếc thúng tre hay chiếc xe đạp đơn sơ khó có thể giúp ta mưu sinh giữa nhịp sống hối hả, tất bật ở những thành phố lớn.
Để người dân có cái nhìn rõ hơn về những gánh hàng rong ngày nay và những khó nhọc của họ, các phóng viên báo Tuổi trẻ họ đã mưu sinh cùng những sạp hàng ấy trong suốt 4 tháng để thấm thía cái lo toan, cái cực nhọc. Từ đây, họ đã xuất bản chuỗi phóng sự với tên gọi “Nổi chìm đời hàng rong”.
Link tập phóng sự: https://tuoitre.vn/noi-chim-doi-hang-rong.html
Âm nhạc hóa tiếng nói
“Nói tiếng Việt tức là hát”. Nhờ có dấu giọng như sắc, huyền, hỏi ngã, nặng, tiếng Việt mỗi khi được cất lên, chúng ta đều có cảm giác như người nói đang hát. Khi nói tiếng Việt, để thu hút người nghe hoặc nhấn mạnh vào một ý nào đó, ta thường kéo dài từ đó lâu hơn lúc nói thông thường hoặc dùng âm điệu cao hơn so với các từ còn lại.
Tiếng rao gánh hàng rong cũng được ra đời theo mục đích đó: để làm thông điệp chào hàng trở nên dễ nhớ và ấn tượng hơn với khách hàng, người gánh hàng rong cần phải nghệ thuật hóa tiếng nói.
Quảng cáo là khâu quan trọng để giúp tăng lượng tiêu thụ hàng hóa, trong đó, chào hàng là bước đầu tiên và cũng là cơ bản nhất. Qua tiếng rao hàng, người bán không chỉ cần phải thể hiện lợi ích, công dụng của mặt hàng mà còn phải làm lời nói của mình thật ấn tượng để gợi mong muốn nơi người mua, chinh phục tình cảm của khách hàng dành cho sản phẩm của mình. Tiếng rao thường ở âm vực quãng 2 trường và 3 trưởng:
Nguồn: moingay1cuonsach.com.vn
Cũng có tiếng rao ở quãng cao như quãng 8, 5 và 4, tuy nhiên những quãng âm lớn thường khó dùng nên chủ yếu người ta sẽ dùng quãng 2 trưởng và 3 trưởng.
Trên thực tế, không có quy định nào chung nào cho tiếng rao hàng cả. Có người rao thấp, người rao cao, người giọng hay, người lại lệch tông – chính những sự đặc biệt đó khiến những tiếng rao hàng giản dị mãi in sâu trong ký ức mỗi người Việt.
Writer: tessa, vly
Photographer: January
Nguồn: nhacxua.vn, thoixua.vn, noron.vn, tuoitre.vn