PHIM HÀI CỦA ĐẠO DIỄN PHẠM ĐÔNG HỒNG – MÓN ĂN TINH THẦN KHÔNG THỂ THIẾU CỦA NGƯỜI BẮC VIỆT

Đối với đa phần khán giả miền Bắc thì không còn quá xa lạ với cái tên Phạm Đông Hồng – người được biết đến qua hàng loạt tác phẩm hài đình đám. Hãy cùng chúng mình xem qua một số tác phẩm tiêu biểu của vị cố đạo diễn này nhé!  

CỐ ĐẠO DIỄN PHẠM ĐÔNG HỒNG

Phạm Đông Hồng sinh năm 1955 trong một gia đình làm văn hóa nghệ thuật. Năm 1980, ông tốt nghiệp đại học Sân khấu – Điện ảnh. Năm 1990, ông tu nghiệp Đạo diễn tại Nga, Đức, Mỹ. Đến năm 2004, Phạm Đông Hồng cho ra phim hài Tết đầu tiên mang tên “Râu quặp”. Các tác phẩm của ông đa số là hài dân gian, được phát hành vào dịp Tết.  Nhờ những tác phẩm đặc sắc của mình, Phạm Đông Hồng được khán giả ưu ái gọi là “ông trùm hài Tết đất Bắc”. Năm 2018, ông đột ngột ra đi sau cơn đột quỵ, để lại nhiều niềm tiếc thương cho khán giả. 

Cố đạo diễn Phạm Đông Hồng (Nguồn: aFamily)

RÂU QUẶP (2004)

Bộ phim dựa trên một câu chuyện dân gian. Theo nhân tướng học, đàn ông có râu quặp thường sợ vợ, các nhân vật trong phim bộ phim này cũng như vậy. Khuỳnh (NSƯT Hán Văn Tình), Sòi (NSND Xuân Bắc) và Lý Lác (NSND Quốc Anh) thường xuyên tụ tập uống rượu nói xấu các bà vợ. Tuy rằng, ai cũng sợ vợ nhưng mỗi lần gặp mặt, họ lại tỏ ra “sĩ diện” rằng mình không sợ vợ mà ngược lại, vợ còn phải nghe lời mình. Hàng loạt tình huống dở khóc dở cười trong cuộc sống sinh hoạt làng xóm, những câu chuyện dân gian, ca dao tục ngữ đã được cố đạo diễn Phạm Đông Hồng lồng ghép rất tự nhiên, làm cho bộ phim thêm phần sống động khi khắc họa khung cảnh làng quê Việt Nam xưa. 

NSND Quốc Anh trong phim “Râu quặp” (Nguồn: NGHE NHÌN THĂNG LONG)

CẢ NGỐ (2010)

Bộ phim xoay quanh câu chuyện của anh chàng Cả Ngố (NSND Xuân Bắc). Với bản tính thật thà nhưng lại có chút “ngố” của mình, cuộc sống của anh chàng thường xuyên xảy ra những tình huống hài hước và không kém phần “bất ổn”. Từ việc nói to chỗ giấu cày để bị trộm mất, đến việc học ông lão đòi mua kính để đọc chữ, sự ngô nghê của anh chàng nhiều lần khiến khán giả phải bật cười. Bộ phim được đầu tư dàn dựng theo lối cổ trang khá công phu, nhằm phục dựng bối cảnh, không khí sinh hoạt làng quê Việt Nam xưa, tạo nên nhiều xúc cảm cho khán giả khi theo dõi bộ phim.

NSND Xuân Bắc trong phim “Cả ngố” (Nguồn: Thang Long Audio Visual)

KHÔNG HỀ BIẾT GIẬN (2013)

Có thể nói, “Không hề biết giận” mà một trong những bộ phim thu hút được một lượng lớn khán giả của cố đạo diễn Phạm Đông Hồng. Bộ phim có nội dung khá thú vị, kể về một phú ông (NSND Tự Long) giàu có nhưng lại rất keo kiệt. Một ngày, phú ông tổ chức kén rể cho cô con gái Mùa (Ngọc Anh) nhưng lại có một thử thách rất “oái oăm”: Ai mà làm cho phú ông giận thì phú ông sẽ gả con gái cho người đó. Nghe vậy, thanh niên trai tráng trong làng nô nức tham gia, trong đó có Chăm (NSND Xuân Bắc). Tuy vậy, trong buổi kén rể, chưa có ứng cử viên nào có thể làm cho phú ông giận nên đành phải ngậm ngùi quay về.

Còn anh chàng Chăm đã nhờ đến sự giúp đỡ của Nô – người làm của phú ông, thay thế Nô làm thuê cho phú ông để anh bày mưu cho mình. Mỗi một lần bày mưu của “Gia Cát Nô” đều khiến phú ông tức đến nghẹn cổ nhưng vẫn phải cố nhẫn nhịn. Cuối cùng, có lần, trong một phút nóng giận mà phú ông đã nổi giận với Chăm, từ đó, anh đã vượt qua thử thách, chính thức thành công cưới được con gái phú ông. 

(Nguồn: 24H)

QUAN TRƯỜNG – TRƯỜNG QUAN (2015)

“Quan trường – Trường quan” kể về hành trình từ một ngôi trường đào tạo quan lại đến khi sĩ tử thành tài, làm việc trong chốn quan trường. Bộ phim xoay quanh ba chàng học trò: Tộp (NSND Tự Long) – một anh học trò nhà giàu mưu mô, Tý (NSND Xuân Bắc) – một anh học trò nghèo thông minh, chính trực, Tồ (NSND Trung Hiếu) – một anh học trò ba phải. 

Thời còn học trong trường quan, Tý đã phát hiện ra bản chất chốn quan trường hối lộ, nịnh nọt, khác hoàn toàn so với chí hướng của anh nên đã rời đi sau một thời gian học tập. Sau 10 năm họ vô tình gặp lại nhau trên công đường. Lúc này, Trạng Tý đang giúp bà lão kiện lão Hung (NSND Tiến Đạt), còn Tộp là quan Tri phủ, người xét xử vụ việc. Trong lúc chuẩn bị xét xử thì quan Tổng đốc xuất hiện, hóa ra quan Tổng đốc lại chính là cậu học trò Tồ ngày xưa. 

Bộ phim không chỉ mang đến tiếng cười mà còn châm biếm chốn quan trường. Người chính trực thì không được trọng dụng, người mưu mô thì chật vật tìm chỗ đứng, còn người ba phải, “gió chiều nào theo chiều ấy” thì lại có được chức vị cao. 

Hậu trường phim “Quan trường – Trường quan” (Nguồn: Thăng Long Audio Visual)

Có thể thấy, các bộ phim của cố đạo diễn Phạm Đông Hồng được đầu tư rất tỉ mỉ từ khâu bối cảnh, trang phục, kịch bản, âm thanh. Nhận xét về các bộ phim hài do đạo diễn Đông Hồng thực hiện, NSND Quốc Anh nói: “Những tác phẩm của Đông Hồng có tính giải trí rất cao nhưng sau tiếng cười luôn ẩn chứa những điều rất nhân văn và có tính giáo dục. Anh là tấm gương sáng để những nhà sản xuất các chương trình giải trí noi theo”. Chính vì vậy, các bộ phim hài của Phạm Đông Hồng đã tạo nên dấu ấn, thương hiệu riêng trong lòng khán giả, là món ăn tinh thần không thể thiếu mỗi dịp Tết đến, xuân sang. 

Writer: nnnhi

Source: Wikipedia, VTV, VTC News

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *