ĐÊM MƠ – KHI LỜI YÊU HÓA NGÔI SAO SÁNG TRÊN NỀN TRỜI VĂN HỌC (PHẦN I)

Khoảnh khắc đó tôi đã biết âm thanh đẹp nhất của cuộc sống là tiếng của một người nói yêu một người” – Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư

 

“Tình yêu như gió, không thể nhìn thấy nhưng có thể cảm nhận được” – Nguyễn Nhật Ánh. 

Trong văn học, tình yêu được xem là một nguồn cảm hứng vô tận, mang lại những trạng thái cảm xúc đa chiều và làm nổi bật những khía cạnh sâu sắc của con người. Tình yêu trong văn học thường được thể hiện qua sự mê hoặc, đắm say và rạo rực của nhân vật trước một người hoặc một ý tưởng hay ước mơ. Đó có thể là tình yêu đôi lứa, tình yêu gia đình hay tình yêu quê hương đất nước. 

Văn học – tiếng yêu của sự mộng mơ

Có bao giờ bạn tự hỏi, vì đâu thơ ca nghệ thuật cứ lai láng những mối tình, từ cuồng nhiệt đến thâm sâu, từ day dứt đến đau lòng… Vì đâu tình yêu lại là đề tài bất hủ mà muôn đời văn chương hướng đến? Mà văn chương muôn đời là gì kia chứ? Nếu không phải “làm cho những gì tốt đẹp nhất trên đời trở thành bất tử” (Shelly)? Tình yêu chắc hẳn là thứ tình cảm mĩ lệ nhất của loài người, làm hoá giải mối hận thù gia tộc của nhà Romeo và Juliet, tình yêu ấy biến thằng gù Quasimodo ở nhà thờ Đức Bà thành hạt ngọc ẩn sau lớp vỏ sần sùi xấu xí… 

Romeo và Juliet – Câu chuyện bất hủ về tình yêu trong văn học

Tình yêu tồn tại trong văn chương trước hết bắt nguồn từ ngòi bút của người nghệ sĩ có “tình”, trong tâm của người đọc có “yêu”. Ví như trong bài thơ “Mơ Hoa” của Hàn Mặc Tử đã có đoạn: 

“Bóng người thục nữ ẩn trong mơ

Trong lá, trong hoa khói bụi mờ.

 Xin chớ làm thinh mà biểu lộ

Những tình ý lạ, những lời thơ.”

 

 Hay trong thi phẩm “Đóa hoa hồng” của Nguyễn Bính: 

“Thưa đây, một đóa hoa hồng

 Và đây một áng hương lòng hoang vu

 Đầu bù trở lại kinh đô

Tơ vương chín mối sầu cho một lòng

Tình tôi như đóa hoa hồng

 Ở mương oan trái, trong lòng tịch liêu

Kinh đô cát bụi bay nhiều

 Tìm đâu thấy một người yêu hoa hồng.”

“Thơ ca bắt rễ từ lòng người, nở hoa nơi từ ngữ” – không chỉ các tác phẩm nói trên, còn rất nhiều những bài thơ như: Hoa cỏ may, Thuyền và biển,… cũng là những “đứa con tinh thần” được người nghệ sĩ chắp bút, đan dệt nên những lời thơ như mộng như ảo, khắc sâu dấu ấn vào mỗi độc giả. 

Văn học – tiếng yêu của sự chân thành 

Trong một khoảnh khắc, ta có thể chợt nhận ra tình yêu cũng là một triết lý trong đời sống, ví như nhà thơ Xuân Diệu từng nói: “Làm sao sống được mà không yêu/Không nhớ, không thương một kẻ nào?’’ (Bài ca tuổi nhỏ). Quả thật, cuộc sống đúng như thi sĩ quan niệm: “Đời không ân ái đời vô vị/Kiếp sống không yêu kiếp sống thừa”. Cuộc sống thiếu tình yêu không phải là sống mà chỉ là sự tồn tại đơn điệu, nhạt nhẽo. Không thể sống thiếu tình yêu vì con người sinh ra vốn là để sống và yêu, nói như “…chúng ta sinh ra trong tình yêu, lớn lên trong tình yêu và chết đi trong tình yêu”. Văn học là tiếng nói của cảm xúc con người, đôi khi chỉ thoáng qua vài câu từ ngắn ngủi ta lại cảm nhận được một chút gì đó bồi hồi xuyến xao trong chính tâm trạng mình: “Yêu là chết ở trong lòng một ít/Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu” (Yêu – Xuân Diệu). 

Và có lẽ đối với những người con yêu văn, tìm đến và đọc văn sẽ không còn xa lạ khi thuở xưa cũ ấy trên diễn đàn văn học mỗi lần nhắc tới nhà thơ Huy Cận, ta sẽ nghĩ ngay đến một cuộc tình đeo đẵng suốt cuộc đời văn chương của ông – đó cũng chính là nhà thơ Xuân Diệu. Hay nói, có một lần Huy Cận làm thơ mà gây xôn xao cả văn đàn bởi chữ “hai ta” – cách xưng hô mà bấy giờ chỉ dành cho lứa đôi: “Một mai ta chết xin chôn/Hai ta sát cạnh xương luồn qua xương/Đất già lạnh toát đêm trường/Huy – Xuân nằm cạnh nhớ thương muôn đời” (Bài thơ mảnh vải – Huy Cận). Tiếc thay mỗi lần đọc thơ về tình yêu của Huy Cận, ta đều cảm thấy có chút bùi ngùi, tiếc nuối cho mối tình “không hợp thế thời” của thi sĩ khi ấy, ví như một số bài thơ của ông: Ngủ chung, Vạn lý tình,… Huy Cận không bộc lộ cảm xúc qua những hành động tầm thường, ông gửi gắm tình cảm của mình cho văn học – đứa con tinh thần và khắc ghi nó suốt đời. Bởi vậy mới nói, tiếng yêu trong văn chương rất “tình”, rất “thơ”, chân thành nhưng cũng rất đắng cay. 

Source: phongtraolienketnguoivietyeunuoc.com

Cuộc sống của con người muôn màu, muôn vị, xúc cảm trong ta cũng ngày càng phong phú, đa dạng hơn, tình yêu cũng vì thế mà xuất hiện nhiều góc độ khác nhau dưới mắt đôi mắt của con người. Nếu tình yêu của Xuân Diệu là để cất lên cho những tiếng lòng bình dị, tình yêu của Huy Cận là để lại tiếng vang cho sự tiếc nuối trong sâu thẳm trái tim thì tình yêu của Nguyễn Bính là nỗi nhớ mong da diết về một người: “Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông/Một người chín nhớ mười mong một người/Gió mưa là bệnh của giới/Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng.” (Tương tư – Nguyễn Bính) hay với Xuân Quỳnh, tình yêu phải chăng là những câu nói tâm tình thỏ thẻ: “Sóng bắt đầu từ gió/Gió bắt đầu từ đâu?/Em cũng không biết nữa/Khi nào ta yêu nhau.” (Sóng – Xuân Quỳnh). Từ đó mới thấy văn học – nơi cửa mở tâm hồn, nơi bộc lộ lời yêu từ chính cảm nhận của con tim mình.  

(Còn tiếp)

 

Writer: Phạm Diệu Chi

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *