LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA ĐIỆN ẢNH

Điện ảnh từ lâu đã trở thành một loại hình giải trí quen thuộc và gần gũi với đa số chúng ta. Để trở nên phổ biến như hiện nay, “nghệ thuật thứ 7” đã phải trải qua một quá trình dài hình thành và phát triển. Vậy điện ảnh đã ra đời trong hoàn cảnh nào và phát triển mạnh mẽ ra sao?

Khởi nguồn của điện ảnh

Vào cuối thế kỷ 19, với tiền đề là các nghiên cứu khoa học chứng minh về sự lưu ảnh (persistence of vision), những thử nghiệm ban đầu về phim ảnh bắt đầu xuất hiện. Sau một thời gian dài thu thập các thông tin và nghiên cứu dựa trên các công nghệ hiện hành, hai anh em Auguste và Louis Lumière đã phát minh ra “cinématographe” (máy chiếu phim), bao gồm ba thiết bị là máy quay, bộ phận in tráng và máy phóng hình. 

Vào tháng 3 năm 1895, phát minh trên lần đầu được công bố khi hai người đã tổ chức một buổi trình chiếu có bán vé đầu tiên tại một quán cà phê tại Paris. Buổi chiếu bao gồm một chuỗi 10 đoạn phim ngắn với nội dung là các cảnh sinh hoạt thường ngày của người dân tại Pháp. Những khán giả khi chứng kiến những cảnh chuyển động được ghi lại, tuy rất đỗi đời thường, nhưng đã mang lại sự thích thú vô cùng lớn khi họ chưa bao giờ được xem một loại hình nghệ thuật sinh động đến vậy. 

Nguồn: Wikipedia 

Chứng kiến những thành công đó, các phương tiện chiếu phim cũng lần lượt được ra đời bởi các nhà khoa học. Ở Mỹ, Thomas Edison phát minh ra loại máy có tên “Vitascope”, còn tại Đức, anh em nhà Skladanowsky giới thiệu loại máy “Bioscop”. Vào vài năm trước sự kiện lịch sử trên, năm 1893, Thomas Edison đã giới thiệu hai phát minh đột phá là “Kinetograph”, một dạng máy ghi hình chuyển động, và “Kinetoscope”, một thiết bị bao gồm một động cơ điện làm cho các cuộn phim “celluloid” (do William Dickson – kỹ sư trưởng trong phòng thí nghiệm của Edison phát minh ra) chạy qua trước ống kính và người xem sẽ phải ghé mắt vào một kính lúp để chứng kiến được chuyển động của các hình ảnh. Tuy vậy, những phát minh trên chỉ được Edison và những cộng sự của mình coi là những thiết bị giải trí đơn giản và không tiếp tục phát triển.

Kỷ nguyên phim câm được mở ra

Phim câm hay còn được hiểu là những bộ phim không có tiếng động hay lời thoại được đồng bộ với những hình ảnh trong phim. Những bộ phim này được chiếu hoàn toàn không có âm thanh hoặc được chèn thêm âm thanh bên ngoài. Kỷ nguyên phim câm được bắt đầu từ sự kiện anh em nhà Lumière khai sinh ra điện ảnh vào năm 1895 và nhanh chóng được lan rộng trên toàn thế giới.

Nguồn: Wikipedia

Sau sự kiện được coi là đã khai sinh ra điện ảnh, trong những thập niên tiếp theo, nhà Lumière trở nên nổi tiếng với phát minh của mình và được đem đi công chiếu tại khắp nơi trên thế giới. Với công cụ thô sơ đó, hàng nghìn đoạn phim ngắn với nội dung chủ yếu là những cảnh sinh hoạt đời thường đã được quay lại để phục vụ cho khán giả toàn cầu.

Năm 1902, nhà điện ảnh tiên phong người Pháp Georges Méliès cho ra mặt bộ phim “Voyage dans la Lune” (tạm dịch: Cuộc du hành lên Mặt Trăng) với bước ngoặt là bộ phim đầu tiên được ứng dụng các kỹ xảo hình ảnh và kịch bản được xây dựng chỉn chu gồm nhiều các cảnh phim khác nhau. Điều này đã tạo ra một cuộc cách mạng cho điện ảnh thế giới, khi các bộ phim dần dần được áp dụng kỹ thuật quay và in tráng tạo ra những thước phim theo trí tưởng tượng của con người chứ không chỉ dừng lại ở những cảnh sinh hoạt đời thường. Từ đó, điện ảnh từ chỗ chỉ được coi là một hoạt động giải trí mới lạ đã trở thành một ngành công nghiệp thực sự khi kiếm về những khoản lợi nhuận khổng lồ cho các nhà làm phim.

Nguồn: CNC

Tại Mỹ, sau thời kì phải sử dụng các rạp hát để trình chiếu các bộ phim thì những rạp chiếu phim chuyên dụng đầu tiên cũng được ra đời với tên gọi “nickelodeon”, tên gọi được đặt dựa trên giá tiền của một vé xem phim thông thường là 1 nickel (tương đương với 5 xu). Cũng trong khoảng thời gian này, với tham vọng trở thành bá chủ của ngành công nghiệp mới ra đời, Thomas Edison đã nỗ lực giành được hầu hết bản quyền của các phát minh quan trọng nhất về kỹ thuật điện ảnh, nhờ đó ông đã trở thành người độc quyền về lĩnh vực  này không chỉ ở Mỹ mà còn trên toàn thế giới.

Dần dần, các nhà điện ảnh bắt đầu thực hiện những bộ phim có độ dài và kịch bản và được sản xuất công phu, hoàn chỉnh. Bộ phim “The Story of the Kelly Gang” (1906) với độ dài lên tới 80 phút được coi là bộ phim điện ảnh thực sự đầu tiên. Trong những năm đầu của thế kỉ XX, châu Âu vốn được coi là trung tâm văn hoá của thế giới đã thống trị nền công nghiệp điện ảnh với loạt các bộ phim ăn khách như “La Reine Elizabeth” (Pháp, 1912), Quo Vadis? (Ý, 1913) hay Cabiria (Ý, 1914).

Tuy nhiên, Chiến tranh thế giới thứ nhất nổ ra khiến vị thế dẫn đầu của nền điện ảnh châu Âu dần mất đi khi hầu hết nguồn lực tại các nước lục địa già được dồn vào cuộc chiến. Trong khi đó, nền điện ảnh Hoa Kỳ mà tiêu biểu là Hollywood bắt đầu nổi lên như một thế lực mới về chất lượng nghệ thuật và thương mại. Đây cũng là cái nôi cho những ngôi sao điện ảnh lớn của Mỹ như Charlie Chaplin hay Buster Keaton hay cũng là đất diễn cho vị đạo diễn tài ba D. W. Griffith.

Nguồn: Wikipedia

Phim có tiếng xuất hiện và sự lụi tàn của phim câm

Năm 1926, hãng phim Warner Bros. của Mỹ lần đầu giới thiệu hệ thống Vitaphone, hệ thống cho phép gắn kèm âm thanh vào một số đoạn phim ngắn. Cuối năm 1927, hệ thống trên lần đầu được áp dụng vào bộ phim “The Jazz Singer” của hãng và đây được coi là bộ phim “có tiếng” được đồng bộ hoá với hình ảnh đầu tiên trong lịch sử điện ảnh. Tiếp nối sự thành công của “The Jazz Singer”, Warner Bros. tiếp tục cho ra mắt “The Lights of New York” (1928), bộ phim được coi là bước ngoặt của nền điện ảnh thế giới khi lần đầu tiên toàn bộ hình ảnh và âm thanh được đồng bộ hoá.

Nguồn: Wikipedia 

Tới cuối thập niên 20 của thế kỉ XX, hầu hết tất cả các bộ phim của Hollywood đều đã có tiếng và âm thanh đã khiến những bộ phim trở nên lối cuốn, thú hút nhiều khán giả hơn. Điều đó cùng đã giúp nền điện ảnh Mỹ vượt qua thời kì Đại suy thoái và bước vào thời kỳ hoàng kim (The Golden Age of Hollywood). Sự xuất hiện của âm thanh trong các bộ phim cũng khiến quá trình làm phim phải thay đổi khi kịch bản phim được trau chuốt kĩ càng hơn và các diễn viên cũng dần phải làm quen với việc vừa diễn xuất hình thể vừa đọc thoại. Chính vì lẽ đó khiến nhiều ngôi sao trong thời kì phim câm dần đi vào quên lãng và phải kết thúc sự nghiệp của mình. Cùng với đó, chi phí sản xuất của một bộ phim với hệ thống thu âm quá lớn khiến những hãng phim nhỏ buộc phải đóng cửa vì không thể chi trả được.

Sự phát triển của điện ảnh tính đến hiện nay

Trong khoảng thập niên 30 của thế kỉ trước là giai đoạn mà điện ảnh Mỹ nói riêng cũng như điện ảnh thế giới nói chung chứng kiến sự phát triển vượt bậc với nhiều sự phát minh trong kĩ thuật và các loại hình phim cũng được trải dài từ hài kịch đến chiến tranh. Từ những năm 1940, điện ảnh đã thực sự bước sang một trang mới.

Sự bùng nổ của chiến tranh thế giới thứ hai đã ảnh hưởng sâu sắc đến xu hướng của những bộ phim được công chiếu trong khoảng thời gian đó. Các bộ phim với mục đích tuyên truyền đề cao tinh thần yêu nước được các nhà làm phim chú trọng sản xuất và tiêu biểu trong số đó là “Forty-Ninth Parallel” (Anh, 1941), Went the Day Well? (Anh, 1942) hay Casablanca (Mỹ, 1942). Chiến tranh kết thúc cũng là lúc những dòng phim tình cảm và hài hước quay lại màn ảnh nhằm phục vụ những binh lính trở về từ chiến trận.

Nguồn: VOV (Link ảnh)

Trong thập niên 1950 và 1960 chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của truyền hình, từ đó khán giả dần ưa chuộng những chương trình trên màn ảnh nhỏ hơn là bỏ ra một chi phí lớn để xem một bộ phim tại rạp, điều đó cũng khiến số rạp phim phải đóng cửa ra tăng. Điều đó đã thúc đẩy những xưởng phim tại Hollywood nói riêng và các nhà làm phim trên toàn thế giới nói chung đưa thêm những đề tài mới lạ và các bộ phim. Tại Mỹ, hãng Walt Disney Picture cho ra đời những bộ phim hoạt hình ăn khách như “Công chúa ngủ trong rừng” (tựa gốc: Sleeping Beauty, 1959) hay “101 chú chó đốm” (tựa gốc: One Hundred and One Dalmatians, 1961). Điện ảnh Anh cũng cho thấy sự bùng nổ của mình khi nhân vật ăn khách bậc nhất lịch sử James Bond ra đời, với bộ phim Dr. No trong đó vai James Bond – điệp viên 007 do nam tài tử Sean Connery thủ vai.

Giai đoạn từ những năm 1970 đến cuối thế kỉ XX đã chứng kiến sự lớn mạnh không ngừng của “nền công nghiệp không khói”. Tại Hollywood, một thế hệ đạo diễn, diễn viên trẻ, giàu sức sáng tạo được “trình làng” và họ đã mở đầu cho giai đoạn “Hollywood mới” (New Hollywood). Hàng loạt những bộ phim đình đám được cho ra mắt và tiêu biểu nhất là bộ phim “Hàm cá mập” (tựa gốc: Jaws, 1975) của đạo diễn tài ba Steven Spielberg. Đây cũng là bộ phim mở đầu cho trào lưu phim bom tấn của Hollywood mà vẫn tồn tại đến bây giờ. Tại châu Á, điện ảnh Hồng Kông cũng cho thấy sự bùng nổ với các series phim võ thuật, nơi góp mặt các ngôi sao như Lý Tiểu Long hay Thành Long. Cùng với đó, công nghệ thông tin đã mang lại bước đột phá lớn cho điện ảnh thế giới. Những phim bom tấn như “Công viên kỷ Jura” (tựa gốc: Jurassic Park, 1993) hay “Titanic” (1997) đã được các nhà làm phim khéo léo lồng ghép những hình ảnh mang tính kỹ xảo cao và chúng đều trở thành những bộ phim sở hữu doanh thu khủng nhất trong lịch sử.

Nguồn: IMDb (Link ảnh)

Trong hơn 20 năm trở lại đây, điện ảnh đã dần trở nên gần gũi và dễ tiếp cận hơn với hầu hết mọi đối tượng khán giả. Nhờ đó, “loại hình nghệ thuật thứ 7” ngày càng phổ biến và được mọi người ưa chuộng bởi sự sống động trong từng thước phim.

Có thể nói, qua hơn 100 năm hình thành và phát triển, điện ảnh từ một hình thức giải trí đơn thuần và chỉ dành cho giới quý tộc giờ đã trở thành một “ngành công nghiệp không khói” và mang lại cả những giá trị về vật chất lẫn mặt tinh thần cho khán giả.

Gia Huy

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *