ĐÊM MƠ – KHI LỜI YÊU HÓA NGÔI SAO SÁNG TRÊN NỀN TRỜI VĂN HỌC (PHẦN II) 

“Bản chất của tình yêu là hy vọng. Nhiều khi trước một sự thật phũ phàng đã rõ mười mươi người ta vẫn tìm cách giải thích theo chiều hướng ít bi quan nhất” – Nguyễn Nhật Ánh. 

 

Văn học – Tiếng yêu cho những tháng ngày cuồng loạn 

Nếu nhắc đến một chất văn rất riêng và độc đáo – chất văn mà không phải nhà thơ nào cũng có được – trong tư duy thơ Việt Nam, ta có thể nghĩ ngay về Hàn Mặc Tử – người được mệnh danh là “một ngôi sao chổi xoẹt qua bầu trời Việt Nam với cái đuôi chói lòa rực rỡ của mình” (Chế Lan Viên). Nói về tình yêu, Hàn Mặc Tử chỉ biết yêu người, chứ chẳng hề đòi hỏi người ta có yêu mình hay không, thậm chí nhiều mối tình chỉ đem lại sự cô đơn, nhưng thi sĩ vẫn yêu và vẫn viết những vần thơ cháy bỏng về nó. 

Chân dung Hàn Mặc Tử. Ký họa của Thanh Trí (Source: baohatinh.vn)

Trong cuốn “Hàn Mặc Tử: một hiện tượng thơ độc đáo trong tư duy thơ Việt Nam”, nhà phê bình văn học Đỗ Lai Thúy cho rằng: “ Nếu Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Bính là dòng văn lãng mạn thuần khiết, nếu Xuân Diệu và nhất là Huy Cận là dòng lãng mạn được cườm vào yếu tố tượng trưng… thì Hàn Mặc Tử là hài hòa của lãng mạn, tưởng tượng, thậm chí là siêu thực nữa.” Có lẽ chính từ trong cuộc sống mòn mỏi chống chọi với bệnh tật, cô đơn, trong bóng đêm hoang hoải đầy ác mộng, ấm ức, đứng giữa ranh giới hiện thực và mộng ảo của ông đã thăng hoa từ vô thức mà bừng lên những hình ảnh tượng trưng trên cái nền lãng mạn: “Mơ khách đường xa, khách đường xa/Áo em trắng quá nhìn không ra…/Ở đây sương khói mờ nhân ảnh/Ai biết tình ai có đậm đà?” (Đây thôn Vĩ Dạ – Hàn Mặc Tử). 

Tình yêu trong thơ ông là những lời thủ thỉ từ tận sâu trong đáy lòng, tận sâu trong những tháng ngày sống chật vật khi phải đối mặt với bệnh tật và bóng đêm bủa vây lấy thể xác con người. Đứng giữa mộng ảo, nhà thơ đã cởi hết lòng để yêu, để hiểu, để viết và để hòa mình với cuộc đời thơ mộng: “Cởi thơ, cởi mộng, cởi niềm yêu thương…” (Ngủ với trăng – Hàn Mặc Tử). 

Không chỉ với Hàn Mặc Tử, từ rất lâu rồi trong văn học đại chúng xuất hiện một vở chèo truyền thống hát về một cô gái với nỗi niềm đắng cay trong tình duyên – đó chính là vở chèo Xúy Vân giả dại. 

Đoạn trích kể về Xúy Vân – người con gái đẹp người, đẹp nết,là con gái của viên huyện Tể được gả cho Kim Nham một anh thư sinh nghèo hiếu học. Cuộc hôn nhân ép buộc không có tình yêu đã đưa cuộc đời nàng đến một tấn bi kịch. Sau khi về nhà chồng, Kim Nham phải lên Tràng An để dùi mài kinh sử để Xúy Vân ở nhà bơ vơ trong sự ghẻ lạnh và coi thường của gia đình. Vì quá buồn tủi và khao khát tìm kiếm hạnh phúc của đời mình nàng đã tin theo Trần Phương, hắn bày kế xúi Xúy Vân giả điên để được tự do thoát khởi nhà chồng. Nhưng không ngờ rằng Trần Phương là một tên “Sở Khanh”, đểu cáng bỏ lại nàng, khiến nàng tuyệt vọng từ giả điên thành điên thật. 

Source: VnExpress

Trong lớp chèo Xúy Vân giả dại, Xúy Vân xuất hiện với hình ảnh người phụ nữ vừa điên loạn lại vừa đáng thương. Nàng đang bị giằng xé giữa tâm trạng hối hận và nỗi tủi nhục vì sự cười chê của người đời. Nàng hối hận, cảm thấy tội lỗi vì đã phụ bạc Kim Nham, lại càng đau đớn vì bị Trần Phương bỏ rơi. 

Hơn nữa, người phụ nữ không còn điểm tựa này còn phải đối mặt với nỗi cười chê của láng giềng. Trong xã hội phong kiến xưa, đây là một bi kịch lớn với người phụ nữ. Những câu nói điên loạn, kể lể càng cho thấy sự tuyệt vọng và tủi hổ của nhân vật đã lên đến đỉnh điểm, nàng đang bị mắc kẹt trong nỗi ám ảnh ấy mà không biết chia sẻ cùng ai nên càng rơi vào bế tắc. Hình ảnh Xúy Vân trong lớp chèo này là đại diện cho cảnh ngộ của những người phụ nữ xưa trong xã hội cũ, không được tự quyết định thân phận mình, đến khi muốn tìm hạnh phúc lại bị rơi vào bi kịch. 

 

Writer: Phạm Diệu Chi

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *