ĐÊM MƠ – KHI LỜI YÊU HÓA NGÔI SAO SÁNG TRÊN NỀN TRỜI VĂN HỌC (PHẦN III)

“Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét

Tình yêu ta như cánh kiến hoa vàng

Như xuân đến chim rừng lông trở biếc 

Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương…” 

[Tiếng hát con tàu – Chế Lan Viên]

VĂN HỌC – TIẾNG YÊU CHO NHỮNG THA THIẾT BÌNH DỊ ĐỜI SỐNG

“Văn chương” là nơi kết tinh, hội tụ cái đẹp trong đời sống, trong thế giới tự nhiên. Bên cạnh đó, trong quá trình sáng tác nghệ thuật, các nhà văn không chỉ sáng tạo, thể hiện tài năng, sự nhạy cảm của bản thân trong tác phẩm mà hơn ai hết họ đem đến cho tác phẩm của mình một tâm hồn giàu xúc cảm, một trực giác nhạy bén. Bằng những rung động và cảm xúc mãnh liệt trước cuộc sống, người nghệ sĩ sáng tạo ra tác phẩm văn chương, xây dựng hình tượng văn học, tạo nên mỗi dòng thơ, trang viết day dứt, xúc động lòng người. Điều ấy tạo nên sự lôi cuốn hấp dẫn cho tác phẩm, khiến cho “đứa con” tinh thần của mình nhanh chóng có được tiếng nói đồng cảm và tâm hồn đồng điệu với người đọc.

Nếu nhà văn có tư tưởng mới lạ, có cách khám phá đời sống tinh tế, sâu sắc nhưng tác phẩm ấy không được viết bằng cảm xúc chân thành mãnh liệt của người nghệ sĩ thì tác phẩm ấy sẽ thật khô khan, nhạt nhẽo, khó được đông đảo người tiếp nhận, khó lay động được nỗi niềm sâu xa trong lòng người đọc. Có lẽ một trong những cảm xúc được đưa vào trang giấy trắng nhiều nhất đó chính là tình yêu – một mĩ từ trong sáng, bình dị đồng thời là một nét nghệ thuật riêng biệt phát triển chất nghệ sĩ vốn có trong tâm hồn, khơi dậy và tiếp sức cho những rung động về cái đẹp, nơi giữ cho con người không chai sạn đi mà luôn mới mẻ, nhạy cảm với cái đẹp. 

Đại thi hào Aleksandr Sergeyevich Pushkin (Source: cand.com.vn)

Khi ngòi bút ta chạm mặt với khoảnh khắc, sẻ chia với đời người, có chăng các tác giả văn học đều từ trong tâm can sinh ra một nỗi niềm xao xuyến mà bồi hồi “mỹ ý thành thơ”? Như trong tác phẩm “Một chút tên tôi đối với nàng”, nhà thơ Puskin đã viết: 

“Một chút tên tôi đối với nàng

Sẽ chìm như tiếng sóng buồn tan

Âm thầm mòn mỏi bên bờ vắng 

      Như tiếng đêm thâu lạc giữa ngàn.” 

Khi yêu, con người ta như uống say mà không tỉnh, như nâng chén cốc chẳng muốn ngừng, phải lẽ tâm tư của nhà thơ Puskin cũng đồng điệu qua từng con chữ mà sinh nên: 

“Tôi yêu em: đến nay chừng có thể. 

Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai; 

Nhưng không để em bận lòng thêm nữa,

Hay hồn em phải gợn bóng u hoài. 

Tôi yêu em âm thầm không hy vọng 

Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen,

Tôi yêu em, yêu chân thành đằm thắm,

Cầu em được người tình như tôi đã yêu em.” 

[Tôi yêu em – Puskin]

Có lẽ, văn học lãng mạn không chỉ phổ cập ở nước ngoài và được đông đảo dân chúng chú ý đến chỉ bằng những câu từ “tình ý đong đưa”, tình yêu trong văn chương không vô nghĩa như vậy – đó là những câu từ thốt ra từ sâu thẳm trong trái tim, là những lời bộc bạch tuy bình dị mà chất đầy sự cảm mến. Tình yêu hiện hữu trong văn học không nhạt nhẽo nhàm chán cũng không mặn mà quá độ. Bởi lẽ, Xuân Quỳnh từng góp nhặt từng trang thơ thế này: 

“Em biết đấy là điều đã cũ

Chuyện tình yêu, quan trọng gì đâu:

Sự gắn bó giữa hai người xa lạ

Nỗi vui buồn đem chia sẻ cùng nhau

… Em hiểu rằng mỗi lúc đi xa

Tình anh đối với em là xứ sở

Là bóng rợp trên con đường nắng lửa

Trái cây thơm trên miền đất khô cằn

Đấy tình yêu, em muốn nói cùng anh:

Nguồn gốc của muôn ngàn khát vọng

Lòng tốt để duy trì sự sống 

Cho con người thực sự Người hơn.” 

Cảm xúc ta như một bài nhạc, lúc trầm bổng, lúc ngân vang – tình yêu ta như vườn thơm chín rụng, ngọt ngào mùa quả, ngào ngạt hương hoa. Phiên chợ văn chương không giới hạn và đặt một điều cố định cấm đoán con người ta trong tình yêu đôi lứa, không đặt ra một khuôn mẫu cứng ngắc để con người ta noi theo.

Ví như Xuân Diệu từng cho rằng: “… Làm sao sống được mà không yêu/Không nhớ, không thương một kẻ nào/Hãy đốt đời ta muôn thứ lửa!/Cho bừng tia mắt, đọ tia sao…” Quy cho cùng, văn học nâng bước ta trên chặng đời, cho ta làm chủ xúc cảm vô hình gửi gắm qua trang giấy nghiên mực, lời yêu hiện hình giản đơn mà sâu lắng, thiết tha. 

 

Writer: Phạm Diệu Chi

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *