Loạt tiểu thuyết đình đám của Nguyễn Nhật Ánh tiếp tục được chuyển thể thành những bộ phim điện ảnh đầy cảm xúc.
Là một nhà văn nổi tiếng của nền văn học Việt Nam, không khó hiểu khi các tác phẩm văn học của Nguyễn Nhật Ánh được nhiều nhà làm phim săn đón và lấy cảm hứng cho những dự án của mình. Nhờ danh tiếng của tác phẩm gốc cũng như sự đầu tư tỉ mỉ trong quá trình sản xuất, các bộ phim đã thu hút được lượng lớn sự ủng hộ của khán giả, đặc biệt là các tác phẩm điện ảnh.
NGUYỄN NHẬT ÁNH – NHÀ VĂN CỦA TUỔI THƠ
Nguyễn Nhật Ánh (07/05/1955) được xem là một trong những nhà văn hiện đại xuất sắc nhất Việt Nam hiện nay. Ông được biết đến qua nhiều tác phẩm văn học về đề tài tuổi trẻ. Hầu hết các truyện của Nguyễn Nhật Ánh đều lấy các đề tài, bối cảnh làng quê gần gũi, thân thuộc; các nhân vật đa số cũng là những đứa trẻ, những cô cậu học sinh mười mấy đôi mươi hồn nhiên, trong sáng.
Đọc truyện của Nguyễn Nhật Ánh, độc giả như được sống lại thời ấu thơ, được hòa mình vào thời học sinh trong sáng bởi ai cũng từng là một đứa trẻ, cũng có tuổi thơ, có một thời để nhớ. Chính vì vậy, các truyện của Nguyễn Nhật Ánh có thể thu hút các độc giả ở mọi lứa tuổi. Trong suốt hành trình sáng tác văn học, ông đã gặt hái được không ít thành tựu, trong đó có Giải thưởng Văn học ASEAN năm 2010 cho truyện ngắn “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”.
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh (Nguồn: Báo Nhân Dân)
TÔI THẤY HOA VÀNG TRÊN CỎ XANH (2015)
“Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên công chiếu vào ngày 02/10/2015 do Victor Vũ làm đạo diễn. Bộ phim là một câu chuyện đầy cảm xúc về quê hương, về gia đình, về thời niên thiếu của mỗi người. Cậu bé Tường ngây thơ, đầy tình thương trong khi Thiều là người anh trai ích kỷ, hẹp hòi đến tàn nhẫn. Bên cạnh tình cảm anh em với những yêu thương, ghen ghét, đố kỵ, hối tiếc, ăn năn… còn là tình cảm bạn bè, kỷ niệm thời thơ ấu của lũ trẻ nhà quê nghèo ở miền Trung cuối những năm 1980. Ở đó có những cuộc cãi vã, đánh nhau; những trò chơi trẻ con thú vị; những giấc mơ cổ tích công chúa, hoàng tử; những hờn giận vu vơ, rung động đầu đời…
Nguồn: VTV
“Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” được đầu tư kinh phí lên đến gần 20 tỷ đồng, là bộ phim đầu tiên được sản xuất theo mô hình hợp tác giữa nhà nước và tư nhân. Vào thời điểm ra rạp, bộ phim được coi là hiện tượng doanh thu phòng vé ở Việt Nam khi thu về 3,5 triệu USD sau một tháng công chiếu (theo The Hollywood Reporter). Sau khi phát hành, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” đã được Fortissimo Films mua bản quyền phát hành quốc tế và được công chiếu tại LHP Cannes năm 2015. Tại LHP Việt Nam lần thứ 19, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” đã giành 4 giải thưởng, trong đó có Bông sen vàng cho phim.
Đại diện nhà sản xuất và đơn vị phát hành cho rằng bộ phim được đón nhận nồng nhiệt như vậy bởi nó thực sự đã thành công chạm đến cảm xúc của khán giả: “Trong đoạn video ngắn ghi lại những phản ứng của khán giả tại rạp, có người đã rơm rớm nước mắt, có người thổn thức và bật khóc khi bất chợt gặp lại hình ảnh chính mình của ngày xưa. Bên cạnh đó cũng có những tiếng cười sảng khoái trước các tình huống đáng yêu, ngô nghê của những đứa trẻ. Có thể nói, lâu lắm rồi mới có một bộ phim chạm vào được trái tim của khán giả nhiều đến vậy”.
CÔ GÁI ĐẾN TỪ HÔM QUA (2017)
Bộ phim được chuyển thể từ truyện dài “Cô gái đến từ hôm qua” do Phan Gia Nhật Linh làm đạo diễn, được công chiếu vào ngày 21/07/2017. Bộ phim chuyển thể cùng tên đan xen giữa hai câu chuyện của quá khứ và hiện tại về cậu học trò Thư. Nếu khi còn bé, Thư luôn tự hào mình là chàng trai thông minh, có thể dễ dàng bắt nạt và sai khiến cô bạn hàng xóm Tiểu Li thì khi trưởng thành, Thư luôn khổ sở vì bị Việt An, cô bạn học cùng lớp mà cậu thầm thương trộm nhớ “quay như quay dế” mà không hề hay biết Việt An chính là cô bé năm xưa.
Nguồn: Harper’s Bazaar Vietnam
Sau khi ra mắt, bộ phim nhận được nhiều phản hồi tích cực của giới chuyên môn và khán giả. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh bày tỏ: “Tôi thích phim này. Phan Gia Nhật Linh đã làm tốt hơn tôi tưởng nhiều. Trong quá trình làm phim, anh ấy bảo tôi đây là phim “lãng mạn – hài”. “Lãng mạn” thì tôi hình dung được, nhưng nghe chữ “hài” tôi hơi thấp thỏm. Nhưng đạo diễn đã xử lý rất thông minh. Anh không sa vào cái hài hình thể hay dung tục như tôi lo lắng. Xem phim này, không ít lần tôi phải phì cười vì những tình huống bất ngờ duyên dáng”.
Bộ phim được đầu tư với kinh phí khoảng 22 tỷ đồng và có tổng doanh thu lên đến 70 tỷ đồng. Trên trang web chính thức của Liên hoan phim quốc tế giả tưởng Bucheon, “Cô gái đến từ hôm qua” được đánh giá với số điểm là 8,75 trên 10. Bên cạnh đó, tại Ngôi Sao Xanh lần thứ 4, Jun Phạm giành được giải Nam diễn viên điện ảnh được yêu thích nhất, Hoàng Yến Chibi giành được giải Nữ diễn viên điện ảnh được yêu thích nhất; tại giải Mai vàng lần thứ 23, Ngô Kiến Huy đã giành được giải Nam diễn viên điện ảnh – truyền hình được yêu thích nhất.
MẮT BIẾC (2019)
Là bộ phim được chuyển thể từ truyện dài cùng tên của Nguyễn Nhật Ánh do Victor Vũ làm đạo diễn, “Mắt biếc” nhanh chóng thu hút được nhiều sự quan tâm của khán giả sau thành công của “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”. Bộ phim xoay quanh mối tình đơn phương của Ngạn với Hà Lan, cô bạn gái có cặp mắt hút hồn nhưng cá tính bướng bỉnh. Một chuyện tình nhiều cung bậc, từ ngộ nghĩnh trẻ con, rồi tình yêu thuở học trò trong sáng, trải qua bao biến cố, trở thành một cuộc “đuổi hình bắt bóng” buồn da diết nhưng không nguôi hi vọng. Câu chuyện càng trở nên éo le hơn khi Trà Long – con gái của Hà Lan lớn lên lại nhen nhóm một tình yêu như thế với Ngạn.
Nguồn: Việt Giải Trí
“Mắt biếc” ra rạp chính thức vào ngày 20/12/2019, sau đó, bộ phim nhanh chóng trở thành hiện tượng phòng vé khi thu về khoảng 50 tỉ đồng chỉ sau ba ngày phát hành và đạt tổng doanh thu là 180 tỉ đồng. Bộ phim nhận nhiều lời khen cho sự đầu tư từ diễn xuất, hình ảnh, kỹ thuật, âm nhạc và đặc biệt là sự trung thành với tinh thần của nguyên tác.
Tác phẩm gây ấn tượng với khán giả bởi khung cảnh đậm chất xưa. Để tái hiện được không gian và thời gian của thập niên 1960 – 1970 khi câu chuyện diễn ra, nhà sản xuất đã đầu tư cho các bối cảnh chính như trường học nữ sinh, làng Đo Đo, hội chợ dân gian, rừng sim, đường phố, nhà ga xe lửa. Khoảng 1000 diễn viên quần chúng đã tham gia trong quá trình quay. Nhiều con phố như Bạch Đằng, Kim Long, Huỳnh Thúc Kháng cũng như các đạo cụ, thiết kế và trang phục đều được phục dựng sao cho giống với nguyên tác nhất.
Nhiều bối cảnh trong phim đã trở thành điểm du lịch thu hút khách tham quan. Cây cổ thụ – nơi nhân vật Ngạn đánh đàn cho Hà Lan nghe trong phim nhận được nhiều lượt ghé thăm nhất, sau đó được đổi tên thành “cây Mắt Biếc”. Tại LHP Việt Nam lần thứ 22, “Mắt biếc” đã xuất sắc giành được giải Bông Sen Vàng và giải Nhạc phim xuất sắc cho hạng mục phim điện ảnh.
NGÀY XƯA CÓ MỘT CHUYỆN TÌNH (2024)
Nguồn: CGV
Bộ phim là một dự án của đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh chuyển thể từ truyện dài cung tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Tác phẩm do HKFilm, CJ ENM và Anh Tễu Studio hợp tác sản xuất, với sự tham gia của dàn diễn viên gồm Avin Lu, Ngọc Xuân, Đỗ Nhật Hoàng, Huỳnh Hạo Khang, Kỳ Phong. Bộ phim dự kiến được khởi chiếu vào tháng 10 năm 2024.
Có thể thấy, bên cạnh truyện thì các bộ phim điện ảnh được chuyển thể từ truyện của Nguyễn Nhật Ánh đều nhận được nhiều sự đón nhận của khán giả. Hy vọng dự án “Ngày xưa có một chuyện tình” cũng có thể nhận được nhiều yêu mến như các tác phẩm đi trước và giành được nhiều thành tựu khi được phát hành trong thời gian tới
Writer: nnnhi
Source: Wikipedia, VTV