Nhà văn Thái Chí Thanh từ khi hoạt động văn học đến nay đã có nhiều tác phẩm dành tặng những “búp măng” của đất nước.
Nhà văn Thái Chí Thanh sinh năm 1953, quê quán tại Nghệ An. Ông đã từng tham gia chiến đấu trước năm 1975, tốt nghiệp cử nhân sử học tại Việt Nam và sang nước ngoài học cao học. Ông từng là cán bộ ngoại giao giữa Ba Lan và Hoa Kỳ trước khi về nước làm Biên tập viên NXB Hội Nhà văn và hiện là Chủ tịch Hội đồng Văn học thiếu nhi Hội Nhà văn Việt Nam khóa X.
TÌNH CỜ ĐẾN VỚI VĂN HỌC
Thái Chí Thanh và văn học đến với nhau như một cái duyên khi ông chỉ viết thử một truyện ngắn nhưng không ngờ lại được đăng lên số báo Văn nghệ Tết và được đón nhận rầm rộ. Đến nay, trong sự nghiệp văn học của mình, Thái Chí Thanh đã xuất bản 14 tác phẩm đa dạng thể loại khác nhau cho thiếu nhi, có thể kể đến như Gấu con tập đếm, Con cũng hiểu…, Người ở, Mây trôi đáy suối,…
Và có lẽ, cái duyên giản đơn của ông cũng y như lối viết văn của mình. Trong một bài phỏng vấn, ông chia sẻ về lối văn: “Tôi viết rất hồn nhiên. Tôi cũng không nghĩ đến chuyện người ta đã viết nhiều mà chỉ nghĩ sao viết vậy. Tuy nhiên, khi viết thì sẽ chú ý không để lặp lại những cái người ta đã viết.” Chính giọng văn tự nhiên, dí dỏm và tâm niệm “vì thiếu nhi” của con người ông đã thu hút phần lớn độc giả.
NGƯỜI BẠN ĐỒNG HÀNH CỦA THIẾU NHI
Chủ đề sáng tác chính của Thái Chí Thanh luôn xoay quanh thiếu nhi và dành cho thiếu nhi. Từ những mẩu chuyện nhỏ nhặt thường ngày tưởng là non nớt, ông đã làm bật lên cái tình, cái lý để những đứa trẻ được lớn hơn qua từng câu chữ ấy. Với ông, để viết nên truyện thiếu nhi cần sự đồng điệu to lớn với các em, vì “nếu không mình sẽ trở thành áp đặt, gán ghép cho các em. Khi đó, tác phẩm có thể trở nên khiên cưỡng vì sa vào “người lớn nói chuyện thiếu nhi” hoặc giả làm trẻ nhỏ, nhại thiếu nhi…”
Trong gia tài tác phẩm của mình, Thái Chí Thanh đã vinh dự là một trong những tác giả có “đứa con tinh thần” ghi danh vào sách giáo khoa. Từ tập truyện Gấu con học đếm được soạn thành Gấu con chia quà trong sách Tiếng Việt lớp 1, tập 2, bộ Chân trời sáng tạo.
Bên cạnh viết văn, Thái Chí Thanh còn thử sức ở các lĩnh vực nghệ thuật khác khi đạo diễn phim hoạt hình và sáng tác nhạc thiếu nhi. Dù tất cả chỉ là cái “duyên”, cái “may” nhưng cái “duyên” ấy đã mang lại cho ông nhiều giải thưởng và nâng cao tên tuổi, trở thành một “nghệ sĩ” của thiếu nhi.
CÂU CHUYỆN CỦA NGƯỜI LÍNH
Ít ai biết rằng người lính còn là một đề tài đặc sắc và đầy cảm hứng cho những tác phẩm của Thái Chí Thanh, điển hình trong đó là truyện và kí Cổ tích trong làn đạn.
Từng là một người lính trước khi học và làm việc ở nước ngoài, nhà văn đã có trải nghiệm trong khói lửa chiến tranh và thấu hiểu sự tàn ác của bom đạn. “Chặng đường làm anh bộ đội chỉ 7 năm, làm lính trận càng ít hơn, chỉ có gần 5 năm, từ giữa năm 1971 đến chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975.” Dẫu vậy, chất lính chưa bao giờ phai nhạt trong ông. Và sau gần nửa thế kỉ rời quân ngũ, ông đặt bút những trang viết đầu tiên về người lính. Tác phẩm của ông được đón nhận nhiệt liệt, truyền cảm hứng để ông sáng tác thêm về người lính.
Từng câu chuyện là từng mảnh kí ức trong Thái Chí Thanh, vì vậy nó được tái hiện rất đỗi chân thật nhưng lại mới mẻ vô cùng so với các tác phẩm trước đó, bởi trải nghiệm của mỗi người đâu ai giống ai. Chính những điều ấy đã chinh phục độc giả.
Writer: bngoc
Source: Báo Lâm Đồng, Tạp chí văn nghệ quân đội…