Một trong những tinh hoa của nền văn học Trung Quốc – “Tứ đại danh tác” đã được chuyển thể thành bốn bộ phim truyền hình đặc sắc và sống mãi với khán giả cho đến ngày nay.
Văn học và phim ảnh có một sợi dây liên kết đặc biệt, tạo nên sự giao thoa giữa các thể loại. Việc chuyển thể các tác phẩm văn học thành những bộ phim không còn quá xa lạ với chúng ta. Liệu các bạn có nhận ra những bộ phim tuổi thơ sau đây đã được chuyển thể từ các tác phẩm văn học cổ đại nổi tiếng không? Hãy cùng chúng mình tìm hiểu nhé!
“TỨ ĐẠI DANH TÁC” – MỘT TRONG NHỮNG TINH HOA CỦA NỀN VĂN HỌC TRUNG QUỐC
Trung Quốc được biết đến là một trong những đất nước có nền văn hóa phong phú và lâu đời nhất trên thế giới. Bên cạnh ẩm thực, kỹ thuật, hội họa, âm nhạc,… thì văn học cũng là một lĩnh vực góp phần lớn trong việc quảng bá văn hóa Trung Hoa đến bạn bè quốc tế. Trải qua về dày lịch sử hàng ngàn năm, văn học cổ Trung Quốc trở nên nổi tiếng trên thế giới với hàng loạt tác phẩm tiểu thuyết, thi ca; trong đó, nổi bật nhất là “Tứ đại danh tác”.
“Tứ đại danh tác” được biết đến là bộ bốn tác phẩm văn học cổ điển có danh tiếng nhất Trung Quốc, bao gồm: “Tam quốc diễn nghĩa” (La Quán Trung), “Thủy hử” (Thi Nại Am), “Tây du ký” (Ngô Thừa Ân), “Hồng lâu mộng” (Tào Tuyết Cần). Với nội dung phong phú, hấp dẫn, “Tứ đại danh tác” được các nhà làm phim lấy cảm hứng, chuyển thể thành nhiều bộ phim với những phiên bản khác nhau.
Từ trái qua phải “Hồng lâu mộng” – “Tây du ký” – “Tam quốc diễn nghĩa” – “Thủy hử truyện” (Nguồn: Baidu)
TAM QUỐC DIỄN NGHĨA
Xuất hiện sớm nhất trong “Tứ đại danh tác”, “Tam quốc diễn nghĩa” là cuốn tiểu thuyết dã sử về lịch sử Trung Quốc được La Quán Trung viết vào thế kỷ 14. Tiểu thuyết kể về thời kỳ hỗn loạn trong lịch sử Trung Hoa thời Tam Quốc (190-280) với 120 chương hồi theo phương pháp bảy phần thực, ba phần hư.
“Tam quốc diễn nghĩa” năm 1994 là phiên bản nhận được nhiều sự yêu thích nhất của khán giả. Tác phẩm mô tả toàn bộ giai đoạn từ thời Hán Hòa Đế trị vì vào năm 88 sau Công nguyên, cuộc nổi loạn băng Khăn Vàng vào cuối thời Đông Hán, các lãnh chúa phong kiến tranh giành ngai vàng, đến Tam quốc sau trận chiến khốc liệt ở Xích Bích, và cuối cùng là sự kiện Tấn Vũ Đế lên ngôi năm 266 sau Công nguyên, thống nhất đất nước. Xuyên suốt bộ phim là khoảng thời gian dài tới 178 năm, nhiều nhất trong số các bộ phim cổ trang Trung Quốc. Trong tác phẩm, Lưu Bị, Gia Cát Lượng, Tào Tháo, Quan Vũ và Trương Phi là những nhân vật chủ chốt trong cốt truyện.
“Tam quốc diễn nghĩa” bản 1994 (Nguồn: Baidu)
Để ghi hình tác phẩm, đoàn làm phim đã phải chuẩn bị hơn 30 000 bộ trang phục, 70 000 đạo cụ, diễn viên quần chúng lên đến 400 000 người. Không chỉ vậy, kinh phí bỏ ra cho bộ phim không hề nhỏ, lên tới 170 triệu nhân dân tệ để sản xuất. Cũng chính vì những lí do đó, “Tam quốc diễn nghĩa” trở thành một trong những bộ phim truyền hình đắt đỏ nhất được sản xuất trong lịch sử Trung Quốc. Bộ phim khi được lên sóng nhanh chóng tạo nên “Cơn sốt Tam quốc” trên toàn châu Á, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á. Cho đến nay, “Tam quốc diễn nghĩa” bản 1994 đã trở thành một tác phẩm truyền hình kinh điển ở Trung Quốc.
Hậu trường phim “Tam quốc diễn nghĩa” bản 1994 (Nguồn: Baidu)
Bên cạnh phiên bản năm 1994 thì Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc đã cho ra mắt “Tân Tam Quốc” vào năm 2010. So với bản cũ, bộ phim có kỹ xảo, trang phục tốt hơn. Tuy nhiên, “Tân Tam Quốc” không bám sát nguyên tác như bản năm 1994 mà đã lược bỏ nhiều tình tình tiết quan trọng trong tiểu thuyết như cuộc Khởi nghĩa Khăn Vàng, anh em Lưu Bị kết nghĩa vườn đào,… Ngoài ra, bộ phim còn thêm thắt nhiều tình tiết đi ngược lại tinh thần nguyên tác, khiến nhiều người hâm mộ tiểu thuyết lên tiếng phản đối.
THỦY HỬ
“Thủy hử” được Thi Nại Am viết vào thế kỷ 14 dựa trên các câu chuyện truyền miệng trong dân gian đời Tống, Nguyên. Nội dung tiểu thuyết xoay quanh 108 anh hùng Lương Sơn Bạc, có người vì bất bình với sự áp chế, bóc lột của quan lại địa phương, có người bị tham quan hại phải bỏ sự nghiệp,… Từng nhóm anh hùng tập hợp riêng lẻ, sau đó tụ về Lương Sơn, chống lại triều đình. Từ đó, tác phẩm đã phản ánh thực trạng xã hội phong kiến nhiều đời: Quan bức thì dân phản.
“Thủy hử” đã đi sâu vào tiềm thức của nhiều người dân Trung Quốc nói riêng và Đông Á nói chung. Từ thập niên 80 của thế kỷ 20, đoàn làm phim tỉnh Sơn Đông đã dựng phim “Thủy Hử”, kể về giai đoạn hình thành và phát triển của Lương Sơn Bạc và kết thúc ở hồi 70 khi các anh hùng Lương Sơn tụ tập đủ, phân chia ngôi thứ.
“Thủy hử truyện” bản 1998 (Nguồn: Baidu)
Tới năm 1998. hãng phim truyền hình Trung Quốc đã cho ra mắt bộ phim “Thủy hử” dài 43 tập, kể đầy đủ về sự hình thành đến khi thất bại của Lương Sơn Bạc. Đặc biệt, bộ phim còn có sự tham gia của nhà chỉ đạo võ thuật nổi tiếng Viên Hòa Bình. Bộ phim này đã được coi là bản thành công nhất về phim Thủy Hử cho đến nay, ngoài ra bài nhạc Hảo Hán Ca do Lưu Hoan trình bày cũng được khán giả yêu thích và đón nhận vì toát lên được khí thế của các anh hùng hảo hán.
Vào năm 2011, “Tân Thủy hử” được ra mắt đến với khán giả. Bộ phim truyền hình này được dàn dựng công phu và quy tụ nhiều ngôi sao hàng đầu điện ảnh Trung Quốc (Trương Hàm Dư trong vai Tống Giang, Nghiêm Khoan trong vai Yến Thanh, Cao Hổ trong vai Dương Chí, Hồ Đông trong vai Lâm Xung,…) tuy nhiên, vẫn còn nhiều tranh cãi xoay quanh một số chi tiết của bộ phim.
“Thủy hử” bản 2011 (Nguồn: Baidu)
Tại Việt Nam, một vài năm về trước, “Tân Thủy hử” đã từng được lên sóng trên kênh VTV2 vào khung giờ vàng, và sau đó đón nhận nhiều sự đón nhận và ủng hộ của khán giả Việt. Nay bộ phim đã được phát hành trọn bộ trên Youtube để ta có thể dễ dàng thưởng thức tác phẩm kinh điển này.
(Còn tiếp…)
Writer: nnhi
Source: Baidu
Pingback: BỘ TỨ ĐÌNH ĐÁM ĐƯỢC CHUYỂN THỂ TỪ “TỨ ĐẠI DANH TÁC” (PHẦN 2) - Nhật Báo Bán Dạ