BỘ TỨ ĐÌNH ĐÁM ĐƯỢC CHUYỂN THỂ TỪ “TỨ ĐẠI DANH TÁC” (PHẦN 2)

Tiếp nối phần 1 về “Tam quốc diễn nghĩa” và “Thủy hử”, hai tác phẩm tiếp theo cũng không kém cạnh trong bộ tứ năm ấy.

TÂY DU KÝ

“Tây du ký” có lẽ là cái tên không còn quá xa lạ với khán giả Việt. Tiểu thuyết “Tây du ký” được xuất bản vào những năm 1590, thuật lại lại chuyến đi đến Ấn Độ lấy kinh của nhà sư Huyền Trang. 

Trong “Tứ đại danh tác”, có lẽ “Tây du ký” là tác phẩm được nhiều nhà làm phim săn đón và lấy cảm hứng làm phim nhiều nhất. Phiên bản kinh điển gắn liền với bao thế hệ thì phải kể đến “Tây du ký” năm 1986. Bộ phim do Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) và Cục Đường sắt Trung Quốc phối hợp sản xuất, kể về hành trình đi thỉnh kinh Đường Tăng. Trên đường đi, lấy kinh, Đường Tăng thu nhận được ba đồ đệ là Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới và Sa Tăng. Họ cùng nhau bảo vệ sư phụ khỏi yêu quái dọc đường, cùng nhau trải qua 81 kiếp nạn để đến được tây phương thỉnh kinh. 

“Tây du ký” bản 1986 (Nguồn: Baidu)

Bộ phim ra đời trong hoàn cảnh còn nhiều khó khăn, luôn thiếu nhân lực nên một diễn viên có khi phải diễn năm đến cả chục vai diễn. Tuy vậy, đoàn làm phim đã cho ra những tạo hình xuất sắc, làm nổi bật lên từng nét riêng của nhân vật khiến khán giả khó mà nhận ra đó là cùng một diễn viên. Ngay từ khi “Tây du ký” lên sóng đã trở thành một cơn sốt mới với người dân Trung Quốc. Ở thời điểm phát sóng gốc, phim đã đạt tỷ suất khán giả trung bình là 89,4%, số lần phát sóng lại lên đến hơn 3000 lần. 

Tại Việt Nam, bộ phim được trình chiếu từ đầu những năm 1990 và cho tới nay đã chiếu lại hàng trăm lần trên nhiều kênh truyền hình khác nhau, trở thành bộ phim gắn liền với tuổi thơ của nhiều thế hệ. Sau đó cũng đã có nhiều phiên bản “Tây du ký” mới được ra mắt nhưng chưa phiên bản nào có thể vượt qua tượng đài “Tây du ký” năm 1986. 

Hậu trường phim “Tây du ký” bản 1986 (Nguồn: Baidu)

 

HỒNG LÂU MỘNG

“Hồng lâu mộng” là một trong những sách bán chạy nhất mọi thời đại với hơn 100 triệu bản được xuất bản. Tác phẩm được ra đời vào khoảng giữa thế kỷ 18, 80 hồi đầu do Tào Tuyết Cần viết, 40 hồi sau di Cao Ngạc viết thêm và soạn thành sách. Tác phẩm xoay quanh câu chuyện tình duyên trắc trở giữa hai anh em con cô con cậu: Giả Bảo Ngọc và Lâm Đại Ngọc, từ đó mô tả cuộc sống nhiều mặt của một đại gia đình quý tộc đời Minh từ lúc cực thịnh cho đến lúc suy vi trong vòng tám năm.

“Hồng lâu mộng” bản 1987 (Nguồn: Baidu)

Không kém cạnh các tác phẩm trên, “Hồng lâu mộng” cũng là nguồn cảm hứng cho nhiều nhà làm phim. Trong các phiên bản được chuyển thể, “Hồng lâu mộng” năm 1987 được coi là phiên bản thành công nhất. Kịch bản bộ phim do nhiều nhà hoạt động văn nghệ nổi tiếng như Khải Công, Thẩm Tòng Văn, Vương Côn Luân đảm nhiệm cố vấn. Trước khi bắt đầu quay, đoàn làm phim dành ra hai năm tuyển chọn diễn viên từ khắp nơi trên đất nước, chọn ra hơn 100 diễn viên nổi tiếng. Các diễn viên đều được huấn luyện về Hồng học cũng như nghệ thuật thi, ca, nhạc, hoạ bởi các chuyên gia tên tuổi.

Trong chương trình truyền hình “Vương bài đối vương bài“, các diễn viên đã có dịp chia sẻ về quá trình chuẩn bị cũng như quay phim. Một diễn viên đã tiết lộ rằng, để có tạo hình nhân vật Giả Bảo Ngọc hoàn hảo nhất, đài Trung Ương đã chi tiền cho nam diễn viên Âu Dương Phấn Cường làm một tiểu phẫu – tiêm silicon vào dưới cằm. Điều này dẫn đến khi hóa trang chạm vào cằm diễn viên sẽ cảm thấy đau và cho đến sau này mỗi khi thay đổi thời tiết, cằm của ông sẽ lại bị ngứa. 

Có thể thấy đoàn làm phim rất đầu tư và chăm chút cho tác phẩm này. Sau khi lên sóng, bộ phim đã thành công vượt ngoài tưởng tượng. Năm 2008, bộ phim được bình chọn là một trong 30 bộ phim truyền hình có sức ảnh hưởng lớn nhất trong suốt 30 năm phim truyền hình Trung Quốc (tính từ năm 1978).

“Hồng lâu mộng” bản 1987 (Nguồn: Baidu)

Qua đó, ta có thể nhận ra rằng, không phải ngẫu nhiên mà các bộ phim trên chuyển thể thành công và trở nên nổi tiếng như hiện tại. Đó không chỉ là công sức của một diễn viên mà còn cả của tập thể đoàn làm phim từ đạo diễn cho đến hậu kỳ, từ các cảnh quay cho đến trang phục, tất cả đều được đầu tư và chuẩn bị kỹ lưỡng. Sự thành công của bộ phim đã đưa văn học cổ đại Trung Quốc đến gần hơn với độc giả, đồng thời còn góp phần quảng bá văn hóa đến khắp các nơi trên thế giới. 

 

Writer: nnnhi
Source: Wikipedia, Baidu

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *